Hoàn học phí nếu tốt nghiệp không có việc, trường nghề vẫn khó tuyển sinh

Chào mừng Bạn đến với Website của chúng tôi

Hotline:0961 116 783

logo

274 Cống Quỳnh, P.Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP.HCM

Email:

xuangiao66@gmail.com

Hotline hỗ trợ:

0961 116 783
Vietnam English
Hoàn học phí nếu tốt nghiệp không có việc, trường nghề vẫn khó tuyển sinh
15/11/2024 09:31 AM 127 Lượt xem

    6 tháng sau tốt nghiệp, nếu sinh viên không có việc làm, trường nghề sẽ hoàn lại toàn bộ chi phí đào tạo. Ngay cả khi có nhiều cam kết có lợi cho sinh viên, trường nghề vẫn gặp khó trong việc tuyển sinh.

    Hoàn học phí nếu tốt nghiệp không có việc, trường nghề vẫn khó tuyển sinh

    Hình ảnh : Học viên học tập tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thừa Thiên Huế. Ảnh: Trường Cao đẳng Công nghiệp Thừa Thiên Huế.

    Tín hiệu đáng mừng nhưng chưa trọn vẹn

    TS. Trần Hữu Châu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghiệp Thừa Thiên Huế thông tin, hiện nay, nhiều sinh viên đủ điểm đỗ đại học, thậm chí có số điểm rất cao nhưng lại chọn trường nghề. Trong những năm gần đây, số lượng này ngày càng tăng.

    Năm học 2022-2023, ngôi trường này đón khoảng 800 sinh viên đăng ký theo học hệ cao đẳng; trong đó có 10% số sinh viên thừa điểm đỗ đại học. Đây là tín hiệu đáng mừng của thị trường lao động song, điều này chưa thực sự trọn vẹn.

    Ông Giang cho biết, trường nghề thường có thời gian đào tạo ngắn, chỉ từ 2,5 – 3 năm với học phí thấp. Đặc biệt, nhiều trường nghề cam kết đảm bảo việc làm cho sinh viên ngay sau khi tốt nghiệp trong đó có Trường Cao đẳng Công nghiệp Thừa Thiên Huế.

    “Việc cam kết diễn ra với sự tham gia của 3 bên: Nhà trường, phụ huynh và học sinh. Nếu trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp mà sinh viên không có việc làm thì các em có thể đem cam kết này lên phòng kế toán nhận lại tất cả chi phí đào tạo” – ông Giang khẳng định.

    Ông Giang cũng cho biết, trong quá trình học tập trên ghế nhà trường, sinh viên đã thực tập tại các doanh nghiệp và đều được trả lương. Đa số sinh viên đều có việc làm bắt đầu từ cuối năm thứ 2. Mức lương doanh nghiệp trả đủ để cho các em chi tiêu, sinh hoạt.

    Hiện nay, Trường Cao đẳng Công nghiệp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh đào tạo các ngành nghề liên quan đến ô tô bao gồm: Điện – điện tử ô tô, ô tô điện, khung gầm ô tô… Các ngành nghề được cho là luôn có việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp với mức lương thấp nhất từ 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trường nghề vẫn gặp khó khi tuyển sinh đầu vào.

    Mỗi trường nghề đều có cái khó riêng nhưng tựu chung lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc đang vướng nhiều khó khăn. Ngoài tâm lý chuộng bằng đại học của phụ huynh, học sinh thì hệ thống giáo dục nghề nghiệp chưa được nhiều phụ huynh, sinh viên biết và hiểu rõ.

    Cần sự phối hợp giữa các bộ liên quan

    Theo ông Giang, hệ thống giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, còn hệ thống giáo dục phổ thông và đại học lại trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vị phó hiệu trưởng cho rằng sự phối hợp giữa hai bộ trong việc thông tin, phân luồng học sinh là rất cần thiết.

    Ông Tô Xuân Giao - Phó Trưởng Văn phòng Thường trực - Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam - đánh giá, các ngành nghề đang thu hút việc làm được chia làm 2 khối là Dịch vụ và Kỹ thuật.

    Khối Dịch vụ gồm: Chăm sóc người lớn tuổi, làm đẹp và chăm sóc sức khoẻ, du lịch kết hợp chữa bệnh. Khối Kỹ thuật gồm: Cơ khí hàn, cơ khí cắt gọt kim loại, tự động hoá, xây dựng dân dụng cầu đường, cắt gọt kim loại… Bên cạnh đó, công nghệ thông tin, lập trình AI, thiết kế đồ hoạ, kế toán thiết kế là những ngành có sức hút không kém.

    Ông

    Hình ảnh : Ông Tô Xuân Giao - Phó Trưởng Văn phòng Thường trực - Hiệp hội Giáo dục Nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam. Ảnh: NVCC.

    Nhiều trường nghề cam kết hoàn học phí khi sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, nhưng họ vẫn gặp khó khi tuyển sinh, ông Giao cho rằng vấn đề nằm ở chủ trương phân luồng học sinh.

    “Với tỉ lệ phân luồng là 30% nhưng trên thực tế chỉ khoảng 15% học sinh chọn trường nghề, còn lại các em vẫn chọn làm lao động tự do nếu không vào đại học” – ông Giao nhận định.

    Vị chuyên gia chỉ rõ, học sinh chưa coi nghề nghiệp là cuộc sống. Một số trường nghề đặt tại các tỉnh có khu công nghiệp khiến các em nảy sinh tâm lý ngại khó, ngại xa. Nhiều trường nghề chưa đẩy mạnh việc gắn kết doanh nghiệp trong tỉnh phát huy nghề tại đại phương.

    “Hiện nay đầu vào của các trường đại học rất rộng mở, việc phân luồng học sinh chưa hiệu quả. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đạo tạo cần cần phải có sự thống nhất mô hình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho quốc gia để sẵn sàng cung ứng đủ lao động chất lượng, có kỹ năng nghề nghiệp cao, có tính kỷ luật, sáng tạo trong sản xuất để đáp ứng cho thị trường lao động, thu hút công nghệ tiên tiến vào Việt Nam” – ông Giao nói.

    Zalo
    Hotline