Bộ luật Đào tạo nghề năm 1969 áp dụng ở CHLB Đức được coi là nền tảng cơ bản của sự phát triển hệ thống đào tạo nghề kép. Bộ luật này đã đưa ra các điều lệ chi tiết và tích cực, nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội đối với việc đào tạo nghề. Đồng thời bảo đảm cho các nhóm xã hội quan tâm đến đào tạo nghề, chủ yếu giới chủ sử dụng lao động và người lao động, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến hệ thống đào tạo nghề và khả năng tổ chức đào tạo của toàn đất nước. Ngoài ra, Bộ luật này còn là cơ sở pháp lý cho hệ thống đào tạo kép thành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng nghề chủ chốt ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Sinh viên Đức sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có 3 lựa chọn:
(1) học chương trình dạy nghề toàn thời gian 2-3 năm tại các trường nghề;
(2) học trường nghề theo chương trình đào tạo kép từ 2-3,5 năm;
(3) học đại học (3-5 năm).
Trong đó, hệ thống đào tạo nghề kép thu hút được nhiều học viên và được công nhận trên toàn thế giới do sự kết hợp giữa lý thuyết và môi trường làm việc thực tế.
Sở dĩ hệ thống đào tạo nghề này được gọi là hệ thống ĐÀO TẠO NGHỀ KÉP vì có sự KẾT HỢP GIỮA CÁC CÔNG TY VÀ CÁC TRƯỜNG DẠY NGHỀ, đào tạo kép thường kéo dài 2-3,5 năm.
Trong khoảng thời gian này, học viên dành vài ngày một tuần, hoặc thậm chí là vài tuần một lần, tại một trường dạy nghề nơi họ có được kiến thức lý thuyết cho nghề nghiệp của mình.
Các lớp học bao gồm tiếng Đức, tiếng Anh, kỹ năng mềm, giáo dục thể chất. Đồng thời, học viên sẽ tham gia học việc ở một công ty để có được kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.
Chương trình đào tạo nghề kép bao gồm:
70% thời gian ở doanh nghiệp đào tạo nghề
30% tại trường nghề.
Theo số liệu thống kê, hơn 1/3 số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Đức tham gia một chương trình đào tạo nghề, trong đó 1/3 học theo chương trình nghề toàn thời gian và 2/3 theo học chương trình kép.
Chương trình đào tạo nghề kép có khoảng 330 chương trình đào tạo được công nhận chính thức, tất cả được liệt kê trên Planet-Beruf.net, trang web của Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB). Trang Web này cũng công bố danh sách các ngành nghề và mức lương tương ứng mà người học nghề nhận được, cũng như Hướng dẫn về "Đào tạo nghề tại Đức".
CÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHỀ KÉP
Hệ thống đào tạo kép của Đức bao gồm nhiều cơ sở giáo dục tham gia, tính hợp pháp của chúng được xác định bởi Luật Giáo dục Liên bang Đức, Luật Bảo vệ Lao động Thanh niên, Quy định về Thương mại điều chỉnh hoạt động của hệ thống ở cấp liên bang (BIBB, 2018). Các cơ chế kinh tế xã hội đã góp phần vào hoạt động hiệu quả của hệ thống đào tạo kép. Trong đó bao gồm các luật quy định sự tham gia của các doanh nghiệp, các nguồn vốn tài trợ, học bổng của nhà nước hoặc khu vực. Sự tham gia của Công đoàn và Phòng Thương mại vào hệ thống đào tạo kép giúp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Quá trình đào tạo bao gồm đào tạo tại trường nghề và đào tạo tại doanh nghiệp. Việc thi cử được tổ chức hoàn toàn độc lập bởi các phòng Thương mại. Hội đồng thi bao gồm đại diện của người sử dụng lao động, người lao động, giáo viên trường nghề (Chính phủ).
1. Đào tạo tại trường nghề
Đào tạo tại trường nghề chịu sự quản lý của chính quyền từng bang. Chính quyền địa phương tài trợ các cơ sở đào tạo công lập (cơ sở vật chất, giáo viên, v.v.) còn trường dạy nghề dạy các môn đào tạo nghề (2/3) và các môn giáo dục phổ thông (1/3). Để được dạy tại các trường nghề, giáo viên phải có bằng thạc sĩ tương đương bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia. Nội dung đào tạo tại trường nghề sẽ bám sát chương trình khung bao gồm các môn cơ sở, lý thuyết các môn thực hành và các môn ngoại ngữ, giáo dục thể chất, kỹ năng mềm.
Trong suốt quá trình hoạt động, các Phòng Thương mại sẽ hỗ trợ cho học viên và cho công ty mà họ thực tập các công việc như đăng ký hợp đồng đào tạo, tổ chức kỳ thi. Phòng Thương mại là đầu mối liên lạc giữa học viên và công ty trong cả quá trình trước, trong và sau thực tập.
2. Đào tạo tại Doanh nghiệp
Việc đào tạo tại doanh nghiệp chịu các quy định của chính quyền liên bang. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia vào hệ thống đào tạo nghề kép.
Các công ty tham gia hệ thống đào tạo nghề kép phải đạt được một số tiêu chuẩn do Phòng Thương mại Đức đặt ra, trong đó phải chắc chắn rằng hệ thống hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với việc đào tạo các học viên trẻ. Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức được hiểu là học ở trung tâm và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 đến 3,5 năm tùy theo nghề học.
Tất cả các Lý thuyết và Kỹ năng cơ bản đều được đào tạo tại trường còn ứng dụng vận hành tại doanh nghiệp.Tuy nhiên, ngay cả học lý thuyết ở trường hoặc trung tâm đào tạo thì lý thuyết đó cũng được thực hành trên các modul thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải lý thuyết chay.Khi xuống Doanh nghiệp, học sinh hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trung tâm.
Khi người học có nhu cầu học nghề, họ sẽ thực hiện các bước:
(1) tìm các doanh nghiệp địa phương cung cấp đào tạo nghề;
(2) tìm các chương trình đào tạo;
(3) đăng ký tham gia đào tạo tại các doanh nghiệp;
(4) lựa chọn doanh nghiệp.
Như vậy, học viên sẽ trực tiếp tìm đến doanh nghiệp để đăng ký học, chứ không phải đăng ký học qua các trường nghề. Sau khi doanh nghiệp và học viên đạt được thống nhất, hai bên sẽ tiến hành ký hợp đồng đào tạo.
Hợp đồng đào tạo là cơ sở pháp lý cần thiết cho việc đào tạo nghề tại doanh nghiệp, trong đó có quy định: Thời gian đào tạo, thời gian bắt đầu và kết thúc đào tạo, thời gian tập sự, thời gian nghỉ, nội dung đào tạo, trợ cấp đào tạo, kết thúc hợp đồng. Sau khi hợp đồng đào tạo được ký, các Phòng Thương mại sẽ chịu trách nhiệm đăng ký các hợp đồng để đảm bảo tính hợp pháp. Tại doanh nghiệp, các học viên sẽ được thực hành với các máy móc, thiết bị tại nơi làm việc và được hướng dẫn bởi các giáo viên toàn thời gian hoặc bán thời gian trong doanh nghiệp.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có các chuẩn đào tạo để làm cơ sở cho quá trình đào tạo tại doanh nghiệp. Học viên cần từng bước thực hiện các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào hiệu suất công việc.
3. Kiểm tra, đánh giá
Thời gian học nghề kép từ 2 đến 3,5 năm tùy vào từng lĩnh vực ngành nghề và bậc đào tạo trong khung trình độ quốc gia. Khung trình độ quốc gia của CHLB Đức (ban hành năm 2013) quy định 8 bậc trình độ, đảm bảo tham chiếu với 8 bậc trình độ trong khung trình độ châu Âu, trong đó bậc đào tạo nghề gồm bậc 3, bậc 4 và bậc 6. Người tốt nghiệp học nghề kép được xếp bậc 3 hoặc bậc 4 tùy vào khóa đào tạo đăng ký (bậc 3 với thời gian đào tạo thời gian 2 năm, bậc 4 với thời gian đào tạo từ 3 - 3,5 năm)
Để tốt nghiệp, người học phải đỗ kỳ thi theo chuẩn quốc gia. Nội dung lý thuyết và thực hành trong các bài thi tốt nghiệp ở toàn bộ 16 bang đảm bảo theo chuẩn như nhau. Riêng thi lý thuyết được tổ chức thi chung, cùng một thời gian trên toàn quốc. Như vậy, dù nội dung đào tạo tại các trường nghề có thể không hoàn toàn giống nhau do được quy định bởi các chính quyền bang khác nhau, nhưng kỳ thi tốt nghiệp phải đảm bảo sự thống nhất cấp quốc gia và bằng cấp được cấp theo khung trình độ quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp do các Phòng Thương mại tổ chức. Phòng Thương mại có trách nhiệm lựa chọn những người có đủ năng lực, tư cách để tham gia Hội đồng kiểm tra gồm đại diện người sử dụng lao động, người lao động (do Hiệp hội doanh nghiệp đề cử) và giáo viên các trường nghề (do các Chính quyền từng bang quản lý). Các thành viên Hội đồng kiểm tra phải đảm bảo có mặt trong các ngày kiểm tra đánh giá và Hội đồng có trách nhiệm tiến hành các thủ tục trong quá trình kiểm tra và cấp bằng, chứng chỉ cho người tốt nghiệp.
Sau khi kết thúc học nghề, học viên có nhiều lựa chọn: tiếp tục thăng tiến trong công ty mình đã thực tập; học cao lên để lấy bằng cấp (bao gồm có thể học tiếp đại học dù không có bằng tốt nghiệp cấp 3); tìm việc tại các công ty khác.
4. Cơ chế quản lý kép
Mô hình đào tạo nghề kép còn gắn liền với cơ chế quản lý hệ thống đào tạo nghề ở Đức. Chẳng hạn, chính quyền bang chịu trách nhiệm quản lý trường nghề và Chính phủ Liên bang chịu trách nhiệm quản lý đào tạo nghề tại công ty. Việc dạy nghề tại công ty đều do các công ty trực tiếp tổ chức, song việc kiểm soát lại do công đoàn cùng với sự tham gia của các quan sát viên và Hội đồng công nhân tại công ty thực hiện.
Trên thực tế, công đoàn tham gia vào mọi công đoạn của hệ thống đào tạo kép trong công ty, từ quá trình lựa chọn học sinh cho đến duy trì một chương trình học hiện đại, kiểm soát chất lượng và bảo vệ công nhân khỏi một số nguy cơ như bị trả lương thấp hay không được đào tạo đầy đủ.