Chi tiết Tin tức

Thị trường thép Việt Nam: Những gam màu sáng, tối

Ngành thép đang chịu sức ép cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt

         Những con số ấn tượng

         Chia sẻ kết quả tăng trưởng ấn tượng của ngành thép trong năm 2015, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Nguyễn Văn Sưa - cho biết, kết thúc năm 2015 tổng sản lượng tiêu thụ các sản phẩm thép toàn ngành đạt 15 triệu tấn, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, thép xây dựng đạt khoảng 7.230 ngàn tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ; thép cán nguội 2.930 ngàn tấn, tăng 12%; ống thép đạt 1.540 ngàn tấn, tăng 26%; tôn mạ kim loại và sơn phủ màu đạt khoảng 3.300 ngàn tấn, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ.

         Về xuất khẩu, năm 2015, ngành thép Việt Nam xuất khẩu trên 2,5 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,9 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng và giảm 14,3% về giá trị. Kết quả đó cho thấy, ngành thép Việt Nam đang chịu sức ép rất lớn từ các sản phẩm thép nhập khẩu.

       Cụ thể, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 12 triệu tấn các sản phẩm thép với kim ngạch nhập khẩu khoảng 7,2 tỷ USD, tăng khoảng 61,6% về lượng, 18% về giá trị. Đáng chú ý, con số nhập khẩu gia tăng chủ yếu sản phẩm thép từ Trung Quốc chiếm tới khoảng 62% trong tổng lượng thép nhập khẩu, chiếm khoảng 56% tổng giá trị nhập khẩu.

         Từ đó cho thấy, bức tranh tổng thể của ngành thép trong nước đang chịu sức ép cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt, bởi tổng sản lượng thép sản xuất trong nước tiêu thụ đạt khoảng 15 triệu tấn, chiếm trên 50% so với tổng sản lượng tiêu thụ của cả nước, số còn lại thép nhập khẩu chiếm tới trên 40%. Điều đáng buồn, kim ngạch xuất khẩu thép giảm cả về lượng và giá trị, song nhập khẩu tăng cao về mọi mặt. Đây thực sự là gam màu tối của thị trường thép Việt Nam.

            Ông Sưa cũng cho rằng, các doanh nghiệp đã phải “lăn lộn” mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó phải tiết giảm mọi chi phí sản xuất để có giá thành cạnh tranh mới đạt được con số ấn tượng trên.

          Cần nhiều giải pháp tăng tốc

         Bước sang năm 2016, dự báo tổng sản lượng thép sản xuất trong nước tiêu thụ sẽ giảm hơn nhiều, chỉ đạt khoảng 15% so với năm 2015. Lý giải về nguyên nhân tăng, giảm, ông Sưa phân tích: Sở dĩ năm 2015 ngành thép trong nước có được con số tăng trưởng cao nói trên, phần lớn là nhờ vào thị trường bất động sản sôi động do Chính phủ đưa ra nhiều chính sách kích cầu xây dựng, vì đây là năm cuối của kế hoạch 5 năm (2010-2015).

          Do đó, năm 2016 sự đầu tư cho các công trình công xây dựng cầu, đường lớn… sẽ không được thuận lợi như năm 2015 nên lượng thép xây dựng giảm thấp là lẽ đương nhiên. Bên cạnh đó, lượng thép xuất khẩu dự báo sẽ giảm hơn bởi sức ép từ các vụ kiện chống bán phá giá ngày một dày đặc, khiến cho thép Việt Nam vào các nước hết sức khó khăn.

         Theo ông Sưa, Việt Nam tham gia hội nhập sâu rộng nên việc gia tăng các vụ kiện là lẽ đương nhiên, vì các nước đều bảo vệ hàng sản xuất trong nước. Theo đó, các doanh nghiệp thép trong nước cần học hỏi để nâng cao kiến thức về phòng vệ thương mại, nắm bắt nhanh thông tin thị trường mới chiến thắng. Tuy nhiên, để sản phẩm thép trong nước giữ vững được phong độ trong thời hội nhập sâu rộng phải nhờ đến sự quan tâm đặc biệt từ các cơ chế, chính sách của nhà nước như, sớm xây dựng và áp dụng hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại… nhằm ngăn chặn các sản phẩm thép kém chất lượng nhập khẩu.

Theo nguồn: baocongthuong.com.vn

Ngày đăng :01-04-2016 08:53:27 AM - Đã xem :761




danh mục sản phẩm

Hỗ trợ trực tuyến

3 925 5939
  • yahoo skype

    Mr Giao

    0903 740 198

  • yahoo skype

    Mr.Định

    094 333 3946

Đối tác